0

MIÊN MAN

 

Sự cô độc là gì ? Tại sao cảm giác đó luôn luôn trong tôi. Tôi giống như người gặm nhấm nỗi cô đơn trong lặng lẽ, tĩnh mịch. Tôi không thích cảm giác cô độc, nhưng sự cô độc như một chú mèo con nhỏ ngoan ngoãn cứ bám lấy tôi đòi ăn những cảm xúc đang có trong tôi cho đến khi no đầy và tôi cảm thấy trống rỗng khi không còn gì để có thể thỏa mãn con mãnh thú cô độc trong tôi. Cảm giác này luôn đeo đuổi tôi từ nhỏ tới lớn. Hình như tôi là một người rất ít nói, chỉ ngồi một góc và lặng lẽ quan sát những người khác. Tôi cảm nhận nó rõ nhất là lúc tôi học cấp 2 và cấp 3, sự cô quạnh luôn bủa vây bất kể lúc nào. Nên thực tế tôi có rất ít bạn, tôi cũng không la cà, không hòa nhập vào tập thể, chỉ mải mê vào việc học. Và thực tế đáng biểu dương là tôi học rất giỏi nhưng mà lại không biết phải biểu lộ cảm xúc như thế nào. Việc diễn đạt một điều gì đó, giao tiếp với một ai đó lạ hoặc là biểu lộ một cảm xúc nào đó rất khó khăn. Có vẻ là tôi đã để tôi một mình quá lâu khiến cho tôi dần quen với việc một mình. Một mình học bài, một mình nghe nhạc, một mình lặng ngắm mây trời. Việc viết trở thành một trong những cách giải tỏa cảm xúc của tôi những năm cuối cấp ba khi việc học trở nên áp lực hơn vì chuẩn bị cho thi tốt nghiệp và thi đại học. Tôi thường hay học bài rất muộn, trong lúc học tôi thường nghe nhạc của Michael Learn To Rock, album đầu tiên tôi mua tại một siêu thị sách lớn trong thị trấn. Vì tôi chỉ có mỗi album này nên tôi cho nó lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đôi lúc tôi vừa học vừa nhẩm theo lời bài hát. Kể ra đúng là chỉ có chiếc máy tính đó là bạn của tôi. Lúc nhỏ tôi học rất dốt, toàn đứng bét lớp, hay coi bài người khác, rất hoạt náo và hiếu động. Kể từ năm lớp 8, tôi bắt đầu trở nên lặng lẽ hơn cả thảy. Người lớn thường hay so sánh tôi với người khác, cho rằng con mình không giỏi, không thông minh hơn. Đặc biệt ba mẹ tôi luôn so sánh tôi với các em gái tôi, cho rằng tôi rất khờ, ngờ nghệch, ngu ngốc. Tôi lúc nhỏ rất thích xem những chương trình thiếu nhi làm đồ thủ công mỹ nghệ. Lạ thật tôi không hề thích chơi búp bê như những bọn con gái khác, tôi thích chơi nấu ăn, thích chơi cô dâu chú rể, chơi ô ăn quan, banh đũa. Ồ suy nghĩ lại thì có lẽ vì mẹ tôi chưa bao giờ mua cho tôi một con búp bê nào. Trong xóm có rất nhiều đứa con nít trạc tuổi tôi, chúng tôi hay chơi những trò chơi tập thể như bắn bi, tạt lon, nhảy dây, bán đồ hàng, trốn tìm. Nếu đã không có những sự so sánh dạng tự kỷ ám thị, nhồi nhét vào đầu con nít thì có lẽ tôi đã lớn lên rất khác không giống như bây giờ. Luôn vui vẻ, hạnh phúc khi được chơi, được làm điều mình thích. Tại sao ba mẹ lại phải ganh đua, khoe khoang thành thích học tập của con cái mình với người khác. Vì cho rằng, con một người bán thịt heo cũng học hành, thi thố rất gì và này nọ sao ? Tâm lý của một đứa con nít rất mong manh, trong giai đoạn không thể tự bảo vệ bản thân mình khỏi những câu nói chê bai từ người khác, chúng dần thu mình lại, khép kín bản thân mình hơn, giỏi che dấu cảm xúc hơn, bắt đầu tỏ vẻ mình nuôi cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm chứ. Và tệ hại hơn nữa là chúng dần dần nghĩ rằng mình là người là họ nói, mình ngu ngốc, mình không thông minh, mình học không bằng người khác. Chúng nghi ngờ chính bản thân và cảm thấy nặng nề. Có những đứa trẻ như tôi, chúng đã tự mình trở dậy nhưng chúng chỉ làm điều mà chúng nghĩ là chúng phải chứng minh cho moi người thấy là chúng không đúng như mọi người nghĩ, chúng tài năng, thông minh hơn thế và học còn giỏi hơn, tốt hơn người khác. Nhưng đó là một cái bẫy, vì chũng không còn tự do nữa, chúng làm tất cả mọi thứ vì đó là tiêu chuẩn của xã hội để đánh giá một đứa trẻ hay một con người tại một thời điểm nào nó. Mọi người luôn lấy chuẩn mực chung của xã hội để đánh giá người khác mà không hề biết rằng họ đang cầm con dao cứa đi tất cả những điều vui vẻ có được của một đứa trẻ. Tính cách một con người được hình thành từ thời thơ ấu, nơi con trẻ sinh sống, những người con trẻ tiếp xúc, những câu nói của người lớn. Ngài xã hội hình như không khoan dung cho bất kỳ một ai, ngài luôn khó chịu với những đứa trẻ nghịch ngợm, quấy phá hay những đứa trẻ ngu ngốc, chậm phát triển. Như tôi hiện tại, tôi rất ghét cảm giác cấp trên hay một ai đó  so sánh tôi với những người khác, đôi khi phản ứng thái quá, trở nên cộc cằn, không vui, không muốn nói chuyện vì những câu nói của những người đó. Chắc họ cũng không ý thức việc họ đang làm, ngài xã hội là họ và họ là ngài xã hội. Họ luôn sống gần như theo chuẩn mực của xã hội. Khi so sánh thì phải có chủ thể để đối chiếu và họ luôn nghĩ rằng việc lấy một ai đó ra làm hệ quy chiếu thì mới giúp nâng rõ được tài năng của người còn lại. Thật trớ trêu là chúng ta đang sống trong một xã hội nơi ngài xã hội hiện diễn khắp mọi người. Ở những nơi thanh cao như trường học, văn phòng làm việc, tới những quán ăn, chợ, từng góc đường, mỗi nhà, mỗi khu phố. Liệu có ba mẹ nào có thể chấp nhận việc trưởng thành của trẻ cần phải xây dựng niềm đam mê từ sự yêu thích của bé, cho bé phát triển cả về cảm xúc, tâm hồn lẫn tri thức. Điều cần làm không phải là so sánh, hay chê bài, sắp đặt tương lai cho bé. Hãy để trẻ tự nhiên, vui vẻ làm điều mình thích, đừng ràng buộc hệ quy chiếu xã hội vào trẻ vì như vậy đứa bé khi lớn lên sẽ thụ động, bảo thủ và thiếu sự linh hoạt, kể cả khả năng sáng tạo. Vì chúng không được khuyến khích để trở nên như thế. Thật đáng thương cho rất nhiều người, bản thân họ không thể tự chọn con đường mình bước đi vì họ bị áp đặt tư tưởng khép kín từ các bậc phụ huynh. Họ chọn theo ý kiến của bố mẹ mà không hề tranh luận. Giáo dục tại gia mang tính áp đặt, làm gì cho con trẻ quyền được phát biểu ý kiến, quyền biểu đạt, quyền được tranh luận. Nên rất nhiều đứa trẻ khi trưởng thành trong vô định, chúng cảm thấy những người tìm thấy được niềm đam mê, sống cháy bỏng với đam mê thật tuyệt vời. Chúng cũng muốn được trở thành một trong những đứa trẻ ấy. Thật ra số lượng những đứa trẻ sống có hoài bão, có đam mê này rất ít. Vì ngài thị trường mang tính đại trà, chiếm phần đông dân số. Nhưng vì giáo dục trong gia đình góp phần tạo ra tính thụ động, ngại thay đổi và yêu thích sự an toàn hơn rủi ro nên rất nhiều người muốn đi tìm cuộc phiêu lưu riêng của họ thì trở nên dè dặt và chịu chấp nhận sống một cuộc sống từ trước tới giờ như họ vẫn được dạy để sống. Họ sống như cái bóng dật dờ, chỉ đợi tới ngày ra đi. Họ sẽ cảm thấy rất hối tiếc khi tuổi xế chiều. Nhưng rồi họ có thay đổi cái suy nghĩ văn hiến đã ăn dần ăn mòn tư tưởng của họ để tìm cách thay đổi góc nhìn và dạy bảo con cháu đúng hơn không, như điều  mà họ muốn mà không làm được. Phần đông là không vì thực tế thì họ sợ nhiều thứ. Hình như trong giai đoạn nào trong cuộc đời ta cũng sợ hãi. Sự sợ hãi chiếm trọn tâm lý ta, nuốt chửng tư tưởng ta từ bé tới lớn, tới khi trưởng thành, già nua và khi chết. Tôi thật sự không muốn sống một cuộc sống phí hoài như vậy. Tôi muốn đi tìm cuộc phiêu lưu của chính mình. Khám phá những điều kỳ diệu diễn ra xung quanh, khai phá những giới hạn của bản thân. Hiểu mình mới là quan trọng nhất vì người đồng hành không bao giờ bỏ cuộc với chính bạn chính là bạn. Một cô gái nhỏ muốn bay cao với ước mơ, khát vọng. Tôi luôn muốn khao khát sống trọn vẹn với đam mê, sống không mệt mỏi, luôn hạnh phúc dù điều đó là gì đi nữa, dù xã hội có đánh giá thế nào đi nữa. Việc tìm kiếm chính tôi là một cuộc phiêu lưu đầy lý thú và sợ hãi nhưng tôi vẫn muốn thượng đế cho mình cơ hội được mở những cánh cửa dẫn tôi đến với niềm đam mê mà tôi luôn truy cầu.

xuongrongcogai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *